GẦN 14.000 TỶ ĐỒNG XÂY DỰNG ĐÀ NẴNG THÀNH TRUNG TÂM LOGISTICS

Đến năm 2050, Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, đáp ứng 50% sản lượng qua đường biển, hàng không, đường sắt…

 

Đây là mục tiêu vừa được HĐND TP Đà Nẵng thông qua Nghị quyết về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu quy hoạch hệ thống trung tâm logistics gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng khép kín của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tại kỳ họp HĐND tháng 7/2018 mới đây, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng quy hoạch phát triển trung tâm logistics dựa trên huy động các nguồn lực của xã hội, đảm bảo cả nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố là 13.695 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của thành phố và Trung ương. Tổng diện tích đất ước khoảng 312 ha. Đồng thời, thành phố quy hoạch phát triển có trọng tâm trên cơ sở xác định quy mô trung tâm logistics chính và số lượng, vị trí trung tâm logistics vệ tinh, phù hợp với từng thời kỳ.

Cảng biển Đà Nẵng một trong những đầu mối trung tâm logistics của Đà Nẵng

Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó cảng Liên Chiểu được xác định như cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trong các nước ASEAN và các nước châu Á – Thái Bình Dương. Mục tiêu tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics của TP Đà Nẵng là tận dụng kinh tế của địa phương để phát triển được hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, liên thông đủ năng lực đáp ứng nhu cầu dịch chuyển, xử lý dòng hàng hóa phát sinh của thành phố, các tỉnh lân cận và một phần lượng hàng hóa từ hành lang kinh tế Đông – Tây.

“Thành phố phát triển trung tâm logistics cấp vùng, địa phương chuyên dụng đảm bảo cung cấp các dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu trong nước, nhập khẩu của Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Có khả năng cung cấp một số dịch vụ logistics cạnh tranh trao đổi hàng hóa quốc tế trung chuyển trên hành lang kinh tế Đông – Tây vào ra cảng biển Đà Nẵng”, ông Dũng cho biết. Theo tính toán của Đà Nẵng, dự kiến đến năm 2050, trung tâm logistics trên địa bàn thành phố đáp ứng khoảng 50% về lượng xử lý logistics cho hàng hóa qua cảng biển, hàng không và đường sắt là 40%.

Cũng theo ông Dũng, đến năm 2050, trên địa bàn thành phố xây dựng một trung tâm logistics cấp vùng và cấp tỉnh như sau: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên mới, Trung tâm logistics CHK quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm logistics Công nghiệp Khu công nghệ cao, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác. Đồng thời, Đà Nẵng tập trung quy hoạch, cải thiện hệ thống giao thông kết nối, xây dựng mới một đường sắt khổ đơn lồng kết nối trực tiếp ga hàng hóa đường sắt Kim Liên với trung tâm logistics cảng Liên Chiểu. Xây dựng tuyến đường bộ kết nối cảng Liên Chiểu với QL1 phía Nam hầm Hải Vân…